Bánh nhãn được xem là đặc sản của vùng quê lúa Nam Định. Bánh nhãn được làm từ 3 nguyên liệu chính: bột nếp, trứng gà và đường cát trắng.
Công đoạn chế biến khá vất vả. Đầu tiên là khâu chuẩn bị nguyên liệu. Bột làm bánh nhãn là loại bột gạo nếp, sẽ làm bánh rất giòn và thơm ngon hơn bột gạo thường. Gạo nếp đem xay và lọc thật mịn. Trứng gà (hoặc trứng vịt) mua về, theo tỷ lệ nhất định, cứ nửa cân bột nếp thì tương ứng cỡ 5 trứng gà.
Khâu ngào bột nếp với trứng gà cũng rất tinh tế. Trứng gà đập ra cho vào cái thau rồi dùng đũa đánh tan, đem bột nếp ngào chung với trứng đến khi nào bột mềm, mịn và dẻo thì dừng lại. Dùng tay ngắt bột, vò viên tròn, nhỏ, cỡ bằng ngón tay cái người lớn. Cứ vò viên khi nào hết nguyên liệu mới thôi. Để viên bột không dính với nhau, nên cắt lá chuối lót lên trên cái mâm.
Cho dầu vào chảo đun sôi rồi thả từng viên bột đã lăn vào rán. Trước khi đun dầu, phải lau chảo thật khô, trong chảo dầu có dính nước khi rán chảo dầu nổ lụp bụp và bay tứ tung, rất dễ bị phỏng. Khi rán nên để lửa nhỏ lại và dầu phải nhiều lên sao cho ngập các viên bột để bánh nở dễ dàng. Khi bánh vàng ươm thì vớt ra rổ để ráo dầu
Cuối cùng là khâu trộn đường, sau khi rán xong đặt chảo lên bếp, cho đường cát trắng tinh vào sên. Lượng đường cát dùng để sên với các viên bột cũng vừa phải. Để đường cát trắng nhanh tan chảy, nên cho một ít nước vào chảo đường. Khi đường đã tan, cho bánh vào đảo liên tục đến khi đường bám vào từng viên bánh thì vớt bánh ra đĩa thưởng thức. Để bánh nhãn giòn thơm lâu ngày và không bị lồng gió, ta cho chúng vào cái thẩu thủy tinh bên trong có lót giấy báo, đậy kín nắp, lấy ra ăn dần dần.